Nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... 'chấm' bất động sản Việt Nam

Hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam đang được ghi nhận tăng lên đáng kể cả về số lượng và giá trị giao dịch trong những năm gần đây. Trong đó, phải kể đến sự góp mặt sôi nổi của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Nhà đầu tư ngoại đổ bộ

Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, 9 tháng đầu năm nay, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1 tỉ USD. Trong nhiều tháng qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã liên tục đứng thứ 2 và thứ 3 về thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Đây là một dấu hiệu quan trọng đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, khi dòng vốn đầu tư vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương có dấu hiệu chững lại, thị trường bất động sản Việt Nam trở nên tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đầu là các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, đặc biệt là các thương vụ M&A thời gian qua tiếp tục dành được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư đến từ 3 quốc gia này. Giao dịch đáng chú ý là thương vụ giữa Keppel Land và chủ đầu tư dự án Empire City tại quận 2, TP.HCM, trong đó Keppel đã nhận chuyển nhượng 40%, tương đương với 93,9 triệu USD. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp đến từ Singapore tập trung mua lại các dự án và bất động sản tại TP.HCM như: Duxton Hotel Saigon, Empire City, Somerset Vista HCM, Kumho Asiana Plaza… Một trong những thương vụ chuyển nhượng bất động sản đáng chú ý nhất trong quý 1/2016 là việc tòa nhà văn phòng A&B Tower (quận 1, TP.HCM), một nhà đầu tư Nhật Bản đã thực hiện nhận chuyển nhượng 70% cổ phần của tòa nhà với giá trị tương đương 47 triệu USD. 

Tiếp đó, trong quý 2/2016, Mapletree Investments đã mua lại khu phức hợp Kumho Asiana Plaza tại quận 1, TP.HCM từ liên doanh Hàn Quốc là Kumho Industrial và Asiana Airlines với mức tỷ suất vốn hóa ước tính khoảng 9% cho toàn khu. Các giao dịch này đã gây nên tiếng vang lớn thu hút các nhà đầu tư từ các quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu như: Blackstone group, Goldman Sachs group hoặc các chủ đầu tư nước ngoài đang muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư vào các thị trường mới nổi và các tập đoàn bảo hiểm muốn thành lập trụ sở văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM

Công ty CBRE đánh giá vốn đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc hiện là nguồn vốn tích cực nhất trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam. Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc của Công ty CBRE Việt Nam cho rằng: "Với nhiều triển vọng chính sách đang dần tạo điều kiện thuận lợi và minh bạch hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, không thể phủ nhận tiềm năng kinh tế lâu dài của Việt Nam. Những yếu tố cơ bản này, cùng với chi phí bất động sản tương đối thấp và lợi nhuận cho thuê cao hiện là bước chuyển mình của Việt Nam thu hút các nhà đầu tư bất động sản quốc tế".

Nghiên cứu mới nhất của Tập đoàn Jones Lang LaSalle (JLL) cũng cho biết yếu tố tích cực thúc đẩy hoạt động M&A ở Việt Nam chính là triển vọng phát triển kinh tế khi tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao, đạt mức 5,6% so với các nước trong khu vực. Mô hình nhân chủng học ở Việt Nam với 70% dân số trong độ tuổi 15-64, thu nhập khả dụng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM càng tăng tính hấp dẫn đối với thị trường này. Quan trọng hơn hết, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn ở một thị trường mới nổi như Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư.

Triển vọng thị trường thời gian tới!

JLL đánh giá tiềm năng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài quy mô có thể lên đến hàng trăm triệu USD cho mỗi dự án tại Việt Nam, nhưng ở đó vẫn luôn tồn tại những thách thức trong việc sử dụng các nguồn vốn này hiệu quả để không tạo nên tính bất ổn cho thị trường. 

Còn với các tài sản có dòng thu nhập ổn định như văn phòng thì vẫn sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư châu Á. Thị trường khách sạn và căn hộ dịch vụ mặc dù đã trải qua những giai đoạn khó khăn trong ngắn hạn (do áp lực cạnh tranh từ nguồn cung và sự suy thoái kinh tế gây ảnh hưởng giá thuê và công suất cho thuê) nhưng vẫn luôn nhận sự quan tâm của các nhà đầu tư dài hạn tìm kiếm các khu đất trung tâm nơi tiềm năng nhu cầu lưu trú cao. Thị trường trung tâm thương mại vẫn tiềm năng thu hút nhà đầu tư nhờ vào quy mô dân số 90 triệu dân của Việt Nam và tốc độ đô thị hóa cao. Theo đó, làn sóng các nhà đầu tư tìm quỹ đất "sạch" từ các dự án khu dân cư vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. 

Với thách thức của thị trường đối với loại hình bất động sản nhà ở, JLL nhận định: "Các nhà đầu tư sẽ đưa ra một chiến lược đầu tư sáng tạo. Nhiều nhà đầu tư đang cân nhắc và sẵn sàng tham gia liên doanh, góp vốn với các chủ đầu tư Việt Nam có uy tín tốt".

Theo JLL, lợi thế của các chủ đầu tư Việt Nam là sự thông hiểu về thị trường, hệ thống hành lang pháp lý, danh mục các bất động sản đã được xác lập trong khi các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án sẽ làm tăng giá trị cho thị trường bất động sản Việt Nam.

Những thương vụ giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2016 đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản như Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad hợp tác cùng Nam Long hoặc Sanyo Homes và Tiến Phát sẽ là những minh chứng điển hình. Do đó, JLL dự kiến đây sẽ tiếp tục là xu thế trong thời gian tới để các quỹ đầu tư thâm nhập và thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo Một Thế Giới