Doanh nghiệp BĐS muốn thoải mái chuyển nhượng dự án?

Tại Hội thảo “Pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản - Những hạn chế, bất cập và giải pháp hoàn thiện” diễn ra ngày 14-3 tại TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM cho rằng Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của DN, đặc biệt là việc thực hiện chuyển nhượng dự án trên thị trường.

Tại Hội thảo “Pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản - Những hạn chế, bất cập và giải pháp hoàn thiện” diễn ra ngày 14-3 tại TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM cho rằng Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của DN, đặc biệt là việc thực hiện chuyển nhượng dự án trên thị trường.

Theo ông Lê Hoàng Châu, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, DN không tránh khỏi bị tác động, vì vậy trong quá trình đầu tư có thể DN không có điều kiện đầu tư tiếp cho nên cần chuyển nhượng 1 phần dự án là chuyện bình thường.

Nhà nước nên xem chuyển nhượng dự án cũng là hoạt động kinh doanh bình thường. Ở nước ngoài bất cứ giai đoạn đầu tư nào DN cũng được quyền chuyển nhượng miễn là nhà đầu tư có đăng ký và có đóng thuế đầy đủ.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến tại Hội thảo cho rằng, nếu nới lỏng hoạt động chuyển nhượng dự án chắc chắn không ít “sân sau” xuất hiện và bao quát hết các dự án đã được đầu tư rồi chuyển nhượng lại để hưởng lời. Và chuyển nhượng dự án dễ dàng có thể khách hàng sẽ bị xâm hại đến quyền lợi.

Giải thích về quyền lợi của khách hàng từ những dự án chuyển nhượng, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM khẳng định, khi chuyển nhượng dự án BĐS quyền lợi của khách hàng bị ảnh hưởng bởi vì sau khi có chủ đầu tư mới thì giá trị của dự án cũng được định đoạt lại. Vì vậy, khi dự án chuyển giao chủ đầu tư mới sẽ thay đổi các cam kết ban dầu dẫn đến bất lợi cho khách hàng.

Nhìn nhận từ dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm thị trường BĐS đang đóng băng trong một thời gian khá dài, do vậy nếu muốn hâm nóng thị trường thì cần phải bỏ qua những rào cản không cần thiết. Đơn cử như quy định về giao dịch qua sàn.

Thực tế chứng minh, từ 2008 sàn giao dịch BĐS đã đi vào hoạt động song đến nay hiệu quả của sàn giao dịch không được đánh giá cao. Bởi vì, giao dịch BĐS thông qua sàn làm tăng thêm nhiều loại thủ tục, chi phí cho người mua, người thuê.

“Việc quy định không bắt buộc giao dịch BĐS phải qua sàn theo tôi là phù hợp với điều kiện hiện nay của thị trường. Song dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS vẫn cho phép DN BĐS được thành lập sàn giao dịch BĐS như Luật Kinh doanh BĐS hiện hành thì cần phải xem xét lại”, luật sư Nguyễn Thị Cam - Công ty TNHH Đất Việt nêu quan điểm.

Theo Luật sư Cam, nếu như xem việc môi giới BĐS là trung gian, là cầu nối giữa người mua và người bán nhằm đảm bảo lợi ích các bên tham gia giao dịch thì DN kinh doanh BĐS không thể vừa là bên bán hàng của mình vừa làm chức năng của nhà môi giới, như thế không đảm bảo tính bình đẳng trong kinh doanh. DN muốn bán qua sàn thì thông qua sàn khác, muốn tự bán thì bán qua phòng kinh doanh.